Màng MBR – Công nghệ xử lý nước thải tiên tiến
Bể phản ứng sinh học màng (Membrane Bio-Reactor – MBR hay còn gọi là màng MBR) là sự kết hợp giữa quá trình lọc màng vi lọc (Micro Filtration MF) hoặc siêu lọc (Ultra Filtration UF) với quá trình sinh trưởng lơ lửng cùng mật độ vi sinh vật cao. Đây là công nghệ xử lý nước thải tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi cho nước thải sinh hoạt và công nghiệp trong các dự án lớn trên khắp Việt Nam và thế giới.
Màng MBR là một công nghệ nâng cấp của quá trình xử lý bùn hoạt tính truyền thống. Màng lọc như một tấm rào chắn giữ lại bất kì chất rắn nào lớn hơn kích thước lỗ màng (thông thường từ 0,01 μm đến 0,4 μm) bao gồm chất rắn lơ lửng, hầu hết vi sinh vật và vi khuẩn gây bệnh. Nhờ màng MBR phân tách chất bẩn và vi sinh vật nên không cần bể lắng thứ cấp và bể khử trùng. Ưu điểm vượt trội này giúp tiết kiệm chi phí và diện tích xây dựng.
Không những vậy, bể Aerotank truyền thống chỉ vận hành với nồng độ bùn hoạt tính từ 3.000 – 5.000 mg/l. Trong khi đó, công nghệ màng MBR lại có thể xử lý đến 15.000 mg/l, thường thiết kế ở 8.000 – 10.000 mg/l. Với nồng độ bùn rất cao nhưng thể tích bể sinh học lại nhỏ do thời gian lưu nước ngắn giúp giảm thiểu chi phí xây dựng.
Công nghệ màng MBR là công nghệ dạng module nên trong trường hợp tăng công suất thì chỉ cần tăng thêm số lượng màng MBR mà không cần xây thêm hạng mục.
Tóm lại, màng MBR được sử dụng rộng rãi là do các ưu điểm sau:
- Kích thước nhỏ gọn, phù hợp với các công trình có mặt bằng hạn chế.
- Ứng dụng tự động hoá cao.
- Loại bỏ được hầu hết chất rắn lơ lửng, vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh .
- Xử lý được nồng độ bùn cao với công suất lớn.
- Không cần xây thêm bể lắng thứ cấp và bể khử trùng.
- Khi tăng công suất xử lý, chỉ cần thêm module màng MBR chứ không cần xây thêm hạng mục.
Vậy nên công nghệ màng MBR này rất được ưa chuộng và đang được áp dụng rộng rãi cho các hệ thống xử lý nước thải trên khắp cả nước và quốc tế.