Menu
*** Công ty Sài Gòn Xanh chuyên tư vấn thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ xử lý nước, nước thải, khí thải, rác thải, tư vấn môi trường và phân tích thí nghiệm các chỉ tiêu môi trường.                                      Saigon EnviGreen specializes in design, construction and installation, technology transfer on water, wastewater engineering, air pollution control, solid waste, environmental consulting and laboratory analysis of environmental parameters. 
Công trình xử lý nước thải sản xuất mạch nha nhà máy Intermalt của Tập đoàn Interflour.

Lễ khánh thành nhà máy Intermalt của Tập đoàn Interflour tại khu công nghiệp Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những sự kiện đáng chú ý trên thị trường vào đầu tháng 7 vừa qua. Intermalt hiện là một trong các dự án lớn nhất tại khu công nghiệp Cái Mép, vừa hoàn thành vào cuối năm 2016 và đã chính thức đi vào sản xuất. Đây cũng là nhà máy sản xuất mạch nha (malt) đầu tiên của Tập đoàn Interflour tại khu vực Đông Nam Á, với các đối tác uy tín từ Úc, Nam Mỹ và châu Âu, dự kiến không chỉ cung cấp đủ nhu cầu mạch nha trong nước mà còn xuất khẩu mạch nha sang các nước khác tại châu Á.


Dễ thấy rằng “cơn khát” nguồn nguyên liệu mạch nha của các nhà máy bia trong nước là rất lớn và cấp bách vì bia là thức uống thường xuyên của người Việt Nam trong thói quen ẩm thực cũng như văn hóa giao tiếp hằng ngày. Thế nhưng trên cả nước, hiện mới có một dự án sản xuất mạch nha ở miền Bắc và chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nội địa. Sự có mặt của Intermalt hứa hẹn sẽ “giải khát” cho doanh nghiệp trong ngành về nguồn mạch nha chất lượng, vốn là nguyên liệu mà từ trước đến nay chúng ta luôn phải nhập khẩu từ nước ngoài.


Intermalt sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trong suốt quá trình từ làm sạch, ủ, ươm mầm cho đến sấy khô. Bên cạnh đó, những chuyên gia trình độ và kinh nghiệm cao về mạch nha cùng hệ thống phòng thí nghiệm tại chỗ được trang bị các thiết bị phân tích mới nhất sẽ đảm bảo Intermalt luôn sản xuất được nguồn mạch nha chất lượng tốt nhất cho thị trường châu Á.

Hoạt động hàng ngày của công ty phát sinh nguồn nước thải sản xuất với công suất tổng cộng 1000 m³/ngày.đêm. Với công suất lớn như vậy, nếu không xây dựng trạm xử lý thì khi thải ra môi trường, sẽ gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường nước khu vực xung quanh, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân xung quanh. Do đó, việc tiến hành đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cho dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

Công ty Intermalt Việt Nam (Chủ đầu tư) và Công ty TNHH Môi Trường và Xây Dựng Sài Gòn Xanh (Tổng thầu EPC) vừa ký kết hợp đồng tổng thầu EPC công trình Trạm Xử lý nước thải công suất 1000 m³/ngày.đêm. Nước thải sản xuất phát sinh từ nhiều vị trí, địa điểm sẽ được thu gom dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty với công nghệ xử lý như sau:

Bể thu gom

Trước khi vào bể thu gom, nước thải sinh hoạt và sản xuất chảy qua lưới chắn rác để tách các loại rác có kích thước lớn như bao nilon, dây, giẻ lau . . . nhằm tránh gây hư hại và tắc nghẽn các thiết bị có trong hệ thống.

Bể điều hoà

Bể điều hòa tiếp nhận nước thải từ bể thu gom. Bể điều hòa được sử dụng nhằm điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải đầu vào, giúp cho hoạt động các công trình xử lý phía sau được liên tục và ổn định, đồng thời tối ưu hóa kích thước cũng như công suất thiết bị cho các công trình này. Nước thải trong bể điều hòa được xáo trộn hoàn toàn nhờ hệ thống khuấy trộn chìm. Việc xáo trộn giúp ổn định nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải luôn ổn định. Ngoài ra trong bể điều hòa còn lắp đặt hệ thống điều chỉnh pH tự động, nhằm đưa pH của nước thải từ 4 – 5 lên 7,0.

Bể khuấy trộn tạo bông

Từ bể điều hòa, nước thải được bơm đến hệ thống xử lý hóa lý nhằm tạo điều kiện tốt cho quá trình keo tụ các hạt lơ lửng có kích thước nhỏ. Trước khi đến bể tạo bông, hóa chất được trộn với nước thải nhờ thiết bị trộn tĩnh. Hóa chất keo tụ là PAC và chất trợ keo tụ Polymer sẽ phản ứng liên kết các tạp chất dạng lơ lửng, dạng keo và những chất ô nhiễm khác có mặt trong nước thải thành những hạt cặn có kích thước lớn hơn. Sau đó, nước thải với các thành phần đã được keo tụ đi vào bể lắng bùn keo tụ.

Bể lắng bùn keo tụ

Nước thải chứa các bông cặn có kích thước lớn từ bể khuấy trộn tạo bông được dẫn qua bể lắng bùn keo tụ, nhằm tách các bông cặn này ra khỏi nước thải bằng trọng lực. Các bông cặn lắng xuống sẽ được bơm về bể chứa bùn. Phần nước trong sau lắng tiếp tục chảy qua ngăn trung chuyển.

Bể sinh học kỵ khí

Bể sinh học kỵ khí tiếp nhận nước thải từ ngăn trung chuyển, bùn hoạt tính kỵ khí hấp phụ các chất hữu cơ hòa tan trong nước thải, phân hủy và chuyển hóa chúng thành CH4, CO2 và nước. Nước thải được bơm vào bể kỵ khí thông qua giàn ống phân phối nước dưới đáy bể, nước thải đi từ dưới lên và qua lớp bùn hoạt tính kỵ khí, đồng thời xảy ra quá trình chuyển hóa như đã nói ở trên, các hạt bùn bám vào các bọt khí sinh ra và nổi lên trên bề mặt làm xáo trộn, gây ra dòng tuần hoàn cục bộ trong lớp cặn lơ lửng, khi hạt cặn nổi lên va phải tấm chắn vỡ ra và rơi xuống tuần hoàn lại vào vùng phản ứng kỵ khí, phần nước sau xử lý theo hệ thống máng răng cưa thu nước chảy qua bể sinh học hiếu khí.

Bể sinh học hiếu khí

Tại bể sinh học hiếu khí, quá trình xử lý các chất bẩn hữu cơ xảy ra nhờ các vi sinh hiếu khí – quá trình bùn hoạt tính. Dưới tải trọng thấp, nhờ oxy cung cấp từ các đĩa phân phối khí, các vi sinh vật hiếu khí sẽ phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải thành CO2, H2O,…, một phần được chuyển hóa làm phát triển sinh khối – Biomass hay nói cách khác trong bể sinh học bùn hoạt tính, các chất hữu cơ hòa tan và không hòa tan chuyển hóa thành bông bùn sinh học – quần thể vi sinh vật hiếu khí – có khả năng lắng dưới tác dụng của trọng lực. Nước thải chảy liên tục vào bể sinh học trong đó khí được đưa vào cùng xáo trộn với bùn hoạt tính, cung cấp oxy cho vi sinh phát triển và phân hủy chất hữu cơ. Dưới điều kiện như thế, vi sinh sinh trưởng tăng sinh khối và kết thành bông bùn. Sau khi lưu nước đủ thời gian cần thiết trong bể sinh học hiếu khí, nước thải trong bể sinh học hiếu khí tự chảy vào bể lắng bùn sinh học.

Bể lắng bùn sinh học

Bể lắng bùn sinh học có nhiệm vụ tách các bông bùn ra khỏi nước thải dưới tác dụng của trọng lực. Một phần cặn sau khi lắng được tuần hoàn ngược lại bể sinh học hiếu khí để duy trì đủ nồng độ vi sinh vật trong bể sinh học hiếu khí. Phần còn lại được xả định kỳ vào bể nén bùn. Phần nước trong tự chảy vào bể chứa trung gian. Các thiết bị trong bể lắng gồm ống trung tâm phân phối nước, hệ thống gạt bùn ở đáy bể, hệ thống ống thu bùn và máng răng cưa thu nước. Từ bể chứa trung gian, nước thải được bơm vào bồn lọc áp lực.

Bồn lọc áp lực

Bồn lọc áp lực là một thiết bị lọc nhanh, nước trong từ bể chứa trung gian sẽ được bơm vào bồn lọc áp lực để xử lý triệt để cặn lơ lửng còn sót trong nước sau lắng. Các chất rắn không tan được giữ lại khi nước đi qua các lớp vật liệu lọc. Sau mỗi chu kỳ lọc, cặn dính bám trên bể mặt lớp vật liệu lọc ở những lớp trên cùng được lấy ra bằng phương pháp rửa ngược, cặn bẩn sẽ được xới tung lên và các hạt vật liệu lọc va chạm, ma sát vào nhau sẽ tự làm sạch bề mặt của chúng, nước nhiễm bẩn được tháo ra khỏi bồn bằng đường thải riêng biệt và chảy về bể thu gom. Nước sạch sau khi qua bồn lọc áp lực tự chảy qua bể khử trùng.

Bể khử trùng

Tại bể khử trùng, nước thải được trộn đều với chloride theo nồng độ nhất định, chloride là chất oxy hóa mạnh thường được sử dụng rộng rãi trong quá trình khử trùng nước thải. Ngoài mục đích khử trùng, chloride còn có thể sử dụng để giảm mùi. Dung dịch chloride được bơm định lượng vào hệ thống khử trùng để tiến hành khử trùng nước thải. Nước sau khi khử trùng, đạt tiêu chuẩn nguồn loại B, QCVN40:2011/BTNMT và đủ điều kiện xả ra nguồn tiếp nhận.

Bể chứa bùn

Bùn ở bể chứa bùn được bơm bùn chuyên dụng đưa vào máy ép bùn để ép tách nước. Bùn sau khi ép được xử lý thải bỏ theo qui định.

Đánh giá

ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG