World Environment Day 5/6: Environmental Concerns and Actions
Ngày Môi trường Thế giới được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm từ năm 1972. Cho đến nay, lễ kỷ niệm này được phát động hơn 40 lần và thu hút trên 100 quốc gia trên toàn thế giới tham gia.
* Ngày Môi trường thế giới xuất hiện lần đầu năm 1972
Trước những dấu hiệu suy thoái môi trường ngày một rõ ràng hơn, từ những năm 1960 con người bắt đầu ý thức về những ảnh hưởng tiêu cực của mình với môi trường. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về con người và môi trường tổ chức tại Stockholm (Thủ đô Thuỵ Điển) từ 5 – 6/6/1972 là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) được thành lập vào ngày 5/6/1972 và giao cho UNEP có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Kể từ đó, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm là Ngày Môi trường Thế giới và khuyến khích người dân, Chính phủ và các tổ chức của tất cả các nước trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện môi trường.
Với sự phát động của Chính phủ, hàng năm người dân trên toàn thế giới nô nức tham gia các hoạt động tuần hành, diễu hành, trồng cây.
Dịp này các quốc gia cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các diễn đàn về gìn giữ sự trong lành của môi trường.
Kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, mỗi năm Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra một thành phố làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm của cả thế giới để kỷ niệm và đưa ra một chủ đề trọng tâm cho các hoạt động môi trường trong năm.
* Những chủ đề thời sự
Cho đến nay, Liên Hợp Quốc đã phát động hơn 40 Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới.
Trong số các chủ đề của ngày này, các chủ đề về trái đất là ưu tiên lựa chọn của Liên Hợp Quốc. Liên tiếp trong năm 1974 và năm 1975, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới lần lượt là: “Chỉ duy nhất một Trái Đất” và “Nơi sinh sống của con người”.
Cùng với các chủ đề chung về trái đất, Liên Hợp Quốc cũng nhiều lần đưa chủ đề về liên kết bảo vệ trái đất như: “Chỉ duy nhất một Trái đất, hãy chăm sóc và chia sẻ” (năm 1992); “Môi trường và nơi ở: hơn cả một mái nhà”, “Con người: đoàn kết vì môi trường toàn cầu” (năm 1995) …
Những vấn đề môi trường nóng bỏng phù hợp với từng thời kỳ, từng năm cũng được Liên Hợp Quốc chú trọng như: “Nước: Tài nguyên sống còn cho cuộc sống” (năm 1976), Mối lo ngại về môi trường tầng Ozone; Tổn thất đất và suy thoái đất trồng (năm 1977), Quản lý và xử lý chất thải nguy hiểu: Mưa Axit và Năng lượng (năm 1983), Khi con người đặt môi trường lên hàng đầu, sự phát triển sẽ lâu dài (1988), Nghèo đói và môi trường – Phá vỡ vòng luẩn quẩn (năm 1993)…
Năm 1989, khi vấn đề biến đổi khí trở thành mối đe dọa hiện hữu và thành nguy cơ mang tính toàn cần, lần đầu tiên Ngày Môi trường Thế giới năm đó lấy chủ đề là sự ấm lên toàn cầu.
* Thiên niên kỉ mới – Cách nhìn mới
Năm 2001 – năm bắt đầu của thiên niên kỉ mới – thiên niên kỷ môi trường, theo cách gọi của Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP), lần đầu tiên Việt Nam được Liên Hợp Quốc chọn là 1 trong 4 điểm tổ chức lễ phát động toàn cầu hưởng ứng ngày môi trường thế giới với chủ đề “Liên kết toàn cầu vì sự sống”.
Từ khoảng thời gian này, trong các chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới, Liên Hợp Quốc cập nhật nhiều con số, sử dụng những tính từ “mạnh” cho thấy sự cấp thiết của các vấn đề môi trường được đưa ra như: Nước – Hai tỷ người đang chết vì thiếu! (năm 2003), Khẩn cấp! Biển và đại dương – Chết hoặc sống? (năm 2004).
Cũng từ đây, Ngày Môi trường Thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, với sự hưởng ứng của 100 nước trên thế giới.
Các hoạt động tổ chức Ngày Môi trường Thế giới Ngày Môi trường thế giới đa dạng, phong phú hơn, có hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Các hoạt động phong phú gồm: Tuần hành, các cuộc thi viết, tìm hiểu về môi trường, khuyến khích tái chế chất thải.
Đặc biệt, trong ngày này còn diễn ra nhiều lễ ký kết, phê chuẩn các công ước quốc tế về môi trường. Các công chức địa phương, vùng, Chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các Bộ trưởng Môi trường đưa ra nhiều công bố và cam kết bảo vệ môi trường trong ngày này.
L.Nhi (Website Bộ Tài Nguyên – Môi Trường)